Đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong tình hình mới
Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đồng bộ trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; đảm bảo đưa toàn bộ hoạt động của chính quyền lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép người dân, doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và thực thi công vụ của cả hệ thống chính trị.

Ảnh minh họa

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 1.133 trạm BTS phát sóng di động 3G/4G, 100% xã, phường, thị trấn có mạng truyền dẫn cáp quang và có dịch vụ truy nhập Internet băng thông rộng; có khoảng 54,71% dân số có điện thoại thông minh; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai đồng bộ, liên thông đến cấp xã. Trung tâm dữ liệu của tỉnh được đầu tư, đáp ứng yêu cầu ứng dụng tập trung, phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, tổ chức, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế. Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp các cơ quan Đảng, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai đồng bộ và liên thông 4 cấp gắn với sử dụng hộp thư điện tử công vụ, chữ ký số chuyên dùng và đều được triển khai trên mô hình điện toán đám mây. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được triển khai đồng bộ và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 (với 1.057 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, chiếm tỷ lệ 56,89%); sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh hoạt động ổn định phục vụ doanh nghiệp tiếp cận khách hàng và thực hiện các giao dịch trực tuyến; tình hình an toàn thông tin mạng được bảo đảm, tỉnh Trà Vinh nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố xếp loại B về an toàn thông tin trên cả nước; nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của công nghệ thông tin và bảo đảm an toàn thông tin có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số xếp hạng về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT-Index) năm 2020 trong các cơ quan Nhà nước xếp thứ 40/63 tỉnh, thành phố([1]); về công nghiệp công nghệ thông tin tỉnh xếp thứ 51/63 tỉnh, thành phố([2]); về quy mô doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin tỉnh xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố; về chuyển đổi số tỉnh xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố.

Về mặt hành lang pháp lý, tỉnh đã ban hành các quy chế, quy định và quy trình nghiệp vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp; ban hành nhiều chủ trương, định hướng quan trọng, tạo nền tảng và động lực cho phát triển ngành công nghệ thông tin và truyền thông, chuyển dịch theo hướng chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh; đặc biệt Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 01 trong 03 nhiệm vụ đột phá là: đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; chủ động tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

          Đạt được những kết quả trên là do Lãnh đạo tỉnh có quyết tâm, thể hiện qua Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết chuyên đề của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiều chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Các cơ chế, chính sách để ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin được ban hành đầy đủ, kịp thời và thường xuyên bổ sung, cập nhật; đối tượng điều chỉnh, tác động không chỉ cho cơ quan hành chính, mà cả cho cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp. Ban hành Kiến trúc để làm cơ sở triển khai được thống nhất, đồng bộ, kế thừa lẫn nhau, chi phí thấp, thời gian triển khai nhanh. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử từng bước được quan tâm, chú trọng. Nhận thức của lãnh đạo các cấp và các cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp về vai trò và tầm quan trọng của ngành công nghệ thông tin được nâng cao, đặc biệt trong điều kiện chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đồng bộ trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng.

  Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Trà Vinh vẫn còn nhiều khó khăn về ngân sách, doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức độ tiếp cận Internet, mạng xã hội, chuyển đổi số của người dân còn hạn chế, nhất là vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc. Năng lực chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức với năng lực số có ích chưa được nâng lên, ranh giới giữa thế giới số và thế giới vật lý chưa được xóa nhòa, công nghệ số chưa được ứng dụng sâu, rộng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thật sự việc số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp chưa đi vào chiều sâu. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Cơ sở dữ liệu quốc gia chưa được liên thông đầy đủ và chưa thống nhất sử dụng chung một nền tảng duy nhất; nhiều quy trình nghiệp vụ chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp chưa có các nền tảng số để nâng cao hiệu quả hoạt động. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh còn ở mức trung bình, thấp. Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin. Kinh tế số, xã hội số trong một số lĩnh vực phát triển tự phát, nhỏ lẻ, sự tham gia của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Người đứng đầu một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện chuyển đổi số; nhận thức về tầm quan trọng và giá trị của chuyển đổi số ở một số cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp chưa đầy đủ; nguồn kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin còn ít; nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho chuyển đổi số còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu.

Do đó, trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện chuyển đổi số, để thành công, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ và thống nhất các quan điểm chủ yếu sau:

Một là, luôn bám sát mục tiêu, nhiệm vụ mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025; các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến chuyển đổi số, đặc biệt là tập trung triển khai chuyển đổi số trên 03 trụ cột và 08 lĩnh vực ưu tiên theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đồng bộ trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; đảm bảo đưa toàn bộ hoạt động của chính quyền lên môi trường số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép người dân, doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và thực thi công vụ của cả hệ thống chính trị.

Ba là, khẳng định nhận thức đóng vai trò quyết định; người dân là trung tâm; thể chế và công nghệ là động lực; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn xã hội là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Bốn là, đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi; đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng, năng suất lao động và khả năng cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh; sớm hình thành xã hội số nhằm đưa năng suất lao động thuộc nhóm tăng trưởng cao trong tỉnh; từng bước thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh.

Năm là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số; tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh và toàn xã hội; trong đó, nội lực là chiến lược, cơ bản quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Để giành chiến thắng trong chuyển đổi số, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị cần hoạch định lại ngành của mình, chủ động phối hợp và lựa chọn kỹ lưỡng đối tác có năng lực, kinh nghiệm về chuyển đổi số và dữ liệu trong tổ chức thực hiện. Để làm được điều này, hãy tái cơ cấu tổ chức, chẳng hạn như bằng cách nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành hoạt động của tổ chức, với năng lực số có ích cho tổ chức để tạo ra các năng lực mới.

Đôi khi, mọi thứ dường như luôn thay đổi và không có điểm dừng nào trên hành trình chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị. Chính quyền địa phương cần tái cấu trúc để có thể tạo ra và phục vụ các loại giá trị mới mà người dân, doanh nghiệp yêu cầu trong thế giới số. Với tư cách là nhà lãnh đạo, tiếp nhận các kỹ năng mới, chân dung mới, sẵn sàng để kết nối với các loại kỹ năng chuyên môn mới và áp dụng các công cụ tư duy mới, điều đó có nghĩa là các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị đang nâng tầm nghệ thuật lãnh đạo trong kỷ nguyên số này.

Hãy suy nghĩ về những sản phẩm được kết nối với điện toán đám mây và cách thức để chúng có thể được cập nhật hoặc điều khiển từ xa. Hãy suy nghĩ về các giá trị dịch vụ bổ sung có thể được tạo ra bởi tổ chức của mình hoặc của tổ chức khác.

Công nghệ thông tin và kỹ thuật số không chỉ là công cụ hỗ trợ để quản lý các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị mà còn có thể thâm nhập vào và tái cấu trúc các quy trình nghiệp vụ, nó cắt giảm một số dịch vụ không cần thiết, làm sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn khác biệt.

Chuyển sang thời đại đổi mới phi tuyến tính sẽ là một thách thức đối với những hệ thống quản lý và nền văn hóa ổn định. Đây không phải là sự dịch chuyển chỉ xảy ra một lần. Chuyển đổi số là một hành trình không có điểm dừng. Vì vậy mỗi cơ quan, đơn vị cần xác định phải luôn luôn thích nghi, không ngừng chuyển động để đáp ứng được nhu cầu đó.

Khi mục tiêu chính là sự sống còn và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Vì vậy, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị phải cân nhắc lại về toàn bộ mô hình quản trị tổ chức của mình. Đây là thời điểm tốt nhất để bỏ đi các mô hình truyền thống và tiến hành những thay đổi số cần thiết nhằm định vị lại cơ quan, đơn vị của mình trong tình hình mới. Đã đến lúc cần phải tăng cường đẩy mạnh chuyển đổi số. Hãy cải thiện tổ chức của mình để đạt được những thay đổi số tạo nên bức tranh tốt đẹp mà mình muốn nhìn thấy trong tương lai. Sống, ăn và hít thở với chuyển đổi số mọi lúc bằng quá trình học tập trải nghiệm trực tiếp và kiến tạo ý tưởng. Hãy thay đổi cách tiếp cận thị trường, xác định quy mô tổ chức và thành phần lao động cho phù hợp và đưa ra tầm nhìn với các quyết định lớn trong đầu tư và phát triển, với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước./.

B.T.N



[1] Chỉ số hạ tầng kỹ thuật: 33/63, chỉ số hạ tầng nhân lực: 47/63, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin: 53/63.

[2] Chỉ số sản xuất: 29/63, chỉ số dịch vụ: 60/63, chỉ số kinh doanh: 49/63.

Chuyển đổi số quốc gia trên zalo
LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 84
  • Tất cả: 50510

TRANG THÔNG TIN CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH TRÀ VINH

Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trà Vinh

Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Nầy - Trưởng Ban Biên tập, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trà Vinh


Ghi rõ nguồn "Trang thông tin Chuyển đổi số Trà Vinh" khi phát hành lại thông tin

LIÊN HỆ

Địa chỉ: Số 06 Trưng Nữ Vương, phường 1, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh

Điện thoại: 0294.3850 856

Email: chuyendoiso@travinh.gov.vn

Facebook: Chuyển đổi Số tỉnh Trà Vinh